Bài 1: Tầm quan trọng của việc tuân thủ các quy tắc giao thông đường bộ
I. Mục tiêu bài học:
Sau bài học này, học sinh:
- Biết được tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ ở nước ta hiện nay, nhận thức được tầm quan trọng của Luật Giao thông đường bộ.
- Phê phán những hành vi vi phạm, đồng tình và ủng hộ việc chấp hành tốt quy tắc giao thông đường bộ.
- Chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ, tuyên truyền và vận động mọi người cùng thực hiện.
I. Nội dung bài học:
1. Tìm hiểu tình hình trật tự an toàn giao thông:
a) Quan sát các hình ảnh về giao thông ở các trang tiếp theo và cho biết:
- Số lượng người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ ở nước ta hiện nay như thế nào so với hệ thống đường xá hiện có?
- Những người tham gia giao thông trong ảnh có đi đúng làn đường quy định không? Có thực hiện đúng các quy định về trật tự an toàn giao thông không? Cụ thể như thế nào?
- Tình hình trật tự an toàn giao thông như vậy sẽ dẫn đến hậu quả gì?
- Tình hình trật tự an toàn giao thông ở địa phương em hiện nay như thế nào?
b) Phân tích hai biểu đồ ở các trang tiếp theo và cho biết:
1) Tai nạn giao thông đã gây ra những hậu quả như thế nào?
2) Kể lại một vụ tai nạn giao thông mà em chứng kiến
Tai nạn GT gây thương vong chủ yếu và chiến tỷ lệ lớn nhất ở các em học sinh dưới 19T
c) Hãy quan sát, mô tả các hình ảnh dưới đây và cho biết những nguy
cơ tiềm ẩn gây ra tai nạn giao thông là gì?
* Tình hình trật tự an toàn giao thông đường bộ rất phức tạp với hai vấn đề nghiêm trọng:
- Nạn tắc đường trầm trọng ở các thành phố lớn.
- Tai nạn giao thông với số người chết, bị thương ở mức cao
* Các yếu tố ảnh hưởng đến tai nạn giao thông: phương tiện (gần 30%); con người (hơn 70 %)
* Nguyên nhân gây tại nạn giao thông xuất phát từ học sinh:
- Thiếu kiến thức, kĩ năng, ý thức khi tham gia giao thông.
- Không hiểu biết về Luật giao thông đường bộ và không nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc An toàn giao thông đường bộ.
2. Các quy tắc giao thông đường bộ:
* Học sinh chúng ta cần nắm vững những quy tắc giao thông đường bộ nào ?
* Tìm hiểu một số quy tắc giao thông đường bộ:
2.1. Người đi bộ phải đi trên hè phố; trường hợp đường không có hè phố thì phải đi sát mép đường;
- Chỉ được qua đường ở những nơi có đèn tín hiệu, có vạch kẻ đường hoặc có cầu vượt, hầm dành cho người đi bộ;
- Tuân thủ tín hiệu chỉ dẫn; phải chú ý quan sát, chỉ qua đường khi bảo đảm an toàn;
- Không được: vượt qua dải phân cách, đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
2.2 Người điều khiển xe đạp: Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn, phải đi trên làn đường bên phải trong cùng; chỉ được chở một người hoặc chở thêm một trẻ em dưới 7 tuổi;
Không được:
+ Đi xe dàn hàng ngang, đi vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác
+ Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh
+ Kéo, đẩy xe khác, chở vật cồng kềnh, buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh.
2.3 Người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện, xe máy điện: phải đội mũ bảo hiểm có cài quai đúng quy cách.
2.4 Người ngồi trên xe đạp, xe mô tô, xe gắn máy: không được mang, vác vật cồng kềnh, không sử dụng ô, không bám, kéo hoặc đẩy các phương tiện khác, không đứng trên yên, giá đèo hàng hoặc ngồi trên tay lái.
(Theo Luật Giao thông đường bộ 2008)
3. Luyện tập tình huống và vận dụng:
3.1 Hãy chỉ ra những lỗi vi phạm an toàn giao thông của những người trong ảnh dưới đây:
3.2 Hành vi nào dưới đây vi phạm Luật Giao thông đường bộ ?
A. Dương sử dụng ô che mưa ngồi sau xe đạp của Hà.
B. Bình và các bạn đi xe đạp vào phần đường dành cho người đi bộ và trên vỉa hè.
C. Tùng và các bạn đi xe đạp điện dàn hàng ngang, vừa đi vừa trò chuyện rất rôm rả.
D. Hương dừng xe đạp lại trước vạch kẻ dành cho người đi bộ khi gặp nhóm học sinh đi bộ đi qua đường.
3.3 Bình luận:
- Trong ảnh, bạn trai không dừng lại khi có tín hiệu đèn đỏ mà vượt đèn đỏ để đi tiếp. Nếu là em trong tình huống này, em có hành động như vậy không ? Vì sao ?
3.4 Xử lí tình huống:
Một lần bạn A (16 tuổi) lấy xe máy Dream 100 phân khối của mẹ chở B là bạn học cùng lớp đến trường. Trên đường đi gặp bạn C đang đi xe đạp, A và B rủ bạn C bám vào xe mình để đi cho nhanh nhưng C nhất quyết không đồng ý. Thấy vậy, B nói: “Cậu thật là gàn, tội gì mà đạp xe cho mệt, đường đông thế này các chú công an phát hiện ra cũng không sao đâu”. Nhưng C vẫn kiên quyết không đu bám xe máy và khuyên 2 bạn A, B không nên đi xe máy vì chưa đủ tuổi.
- Em có tán thành hành vi của 2 bạn A và B không ? Vì sao ?
- Bạn C phản ứng như vậy có đúng không ? Vì sao ?
3.5 Vận dụng thực hiện dự án tìm hiểu tình hình trật tự an toàn giao thông tại địa phương:
Bước 1: Xây dựng kế hoạch
+Nội dung: Những hành động thực hiện đúng và những hành vi vi phạm ATGT đường bộ; số vụ tai nạn; thiệt hại về người, vật chất; nguyên nhân; địa điểm hay xảy ra TNGT; đề xuất cách khắc phục.
+ Thảo luận về cách tiến hành mỗi công việc (thu thập thông tin, chụp hình ảnh, xử lí thông tin, cách trình bày kết quả, báo cáo); Phân công phụ trách từng công việc; Dự kiến thời gian hoàn thành.
Bước 2:Thực hiện dự án:
+ Cá nhân, nhóm thực hiện kế hoạch;
+ Thu thập số liệu, tư liệu, hình ảnh;
+ Trình bày kết quả: báo cáo bằng văn bản/vẽ tranh/ triển lãm/báo tường/viết tiểu phẩm/hoạt cảnh về ATGTĐB.
Bước 3: Báo cáo kết quả tìm hiểu trước lớp (trưng bày tranh ảnh, tư liệu, số liệu,...)
Bước 4: Phát huy kết quả tìm hiểu ATGT ĐB tại địa phương
Tổ chức báo cáo kết quả trong toàn trường; Báo cáo với ban giám hiệu nhà trường, với cán bộ địa phương về tình hình trật tự ATGTĐB và những đề xuất của dự án.
3.6 Tham gia các hoạt động giữ gìn trật tự an toàn giao thông đường bộ ở trường, ở địa phương:
Bước 1: Thảo luận xây dựng kế hoạch tham gia giữ gìn trật tự An toàn giao thông đường bộ ở trường, ở địa phương.
Nội dung: Tham gia công tác tuyên truyền, vận động chấp hành quy tắc Giao thông đường bộ trong trường học, khu dân cư (vẽ tranh, phát thanh tuyên truyền, đi vận động tại nhà...); Tham gia đội xung kích, đội tình nguyện An toàn giao thông ở trường, thôn xã, khu phố với các hoạt động giữ gìn trật tự An toàn giao thông, giải tỏa ách tắc giao thông...; Tham gia bảo vệ, giữ gìn đoạn đường bộ gần khu vực trường.
Bước 2: Xây dựng kế hoạch: Xác định những hoạt động phù hợp; thảo luận cách tổ chức, tiến hành các hoạt động; Phân công cá nhân, nhóm thực hiện; dự kiến thời gian thực hiện.
Bước 3: Thực hiện: Cá nhân, nhóm thực hiện kế hoạch đã được phân công; Thường kì các nhóm thảo luận rút kinh nghiệm; Các nhóm báo cáo kết quả hoạt động, đề xuất kiến nghị với nhà trường, với những người có trách nhiệm ở địa phương.
3.7 Tìm tòi mở rộng kiến thức và rèn luyện bản thân:
a) Tìm hiểu Luật Giao thông đường bộ;
b) Tìm và học tập những tấm gương chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ
c) Vận động mọi người thực hiện nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ ở trường, lớp, địa phương ...